Những căn hộ cao cấp từng được quảng cáo, ví von như một kênh sinh lời hiệu quả khi đầu tư đang đẩy không ít nhà đầu tư rơi vào thế khó khi thị trường bất động sản trải qua giai đoạn khó khăn. Nhiều nhà đầu tư đang loay hoay tìm lối thoát cho dòng tiền ở những căn hộ này.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, những tháng cuối năm, thị trường Hà Nội đón hàng loạt dự án căn hộ cao cấp, xuất hiện chính ở phía Đông và phía Tây Hà Nội với mức giá đều trên 30 triệu đồng/m2. Cá biệt có dự án khu vực ven đô, mức giá thiết lập lên tới 50-60 triệu đồng/m2, ngang ngửa với giá khu vực trung tâm nội đô. Vô vàn những lời có cánh, hoa mỹ từ quảng cáo, từ môi giới đang được tung ra nhằm đẩy mạnh thanh khoản dự án. Thế nhưng, không ít nhà đầu tư đang loay hoay, mắc kẹt với chính căn hộ được định danh là cao cấp khi “trót” đổ tiền đầu tư trước đó.
Chị Phan Hà My, từng mua hai căn hộ cao cấp tại 1 dự án ở Gia Lâm (Hà Nội). Ban đầu chị dự tính khi giá tăng theo tiến độ dự án sẽ bán ra chốt lời. Thế nhưng, nguồn cung dự án và khu vực quá lớn khiến chị rao bán cắt lỗ cả năm cũng không có người hỏi mua. Do đó, chị My quyết định làm nội thất rồi cho thuê. Chị My chia sẻ: “Chuyển sang làm nội thất cho thuê là điều tôi không mong muốn. Cả hai vợ chồng tôi khi mua 2 căn hộ này đều vay tiền ngân hàng, hàng tháng đều gồng gánh cả gốc và lãi, giờ lại phải chi thêm 1 khoản tương đối để làm nội thất, gánh nặng tài chính càng nặng hơn. Nhưng không làm nội thất thì giá cho thuê vốn thấp sẽ càng thấp hơn”.
Rơi vào tình cảnh tương tự, nhiều nhà đầu tư sau khi rao bán lỗ không được đành chuyển sang cho thuê. Cũng tại dự án ở Gia Lâm này, nhiều nhà đầu tư đã cho một bên khác thuê với giá rẻ để làm homestay hoặc các công ty nội thất thuê làm căn hộ mẫu nhằm quảng bá sản phẩm.
Thị trường căn hộ cao cấp khu vực Tây Hồ cũng không khá khẩm hơn. Thị trường này trước đây được nhiều người nước ngoài lựa chọn thuê. Nhưng do dịch Covid-19, giới chuyên gia nước ngoài không sang làm việc nên thị trường cho thuê rất ảm đạm. Theo anh Hứa, một môi giới cho thuê chuyên làm khu vực Tây Hồ thì những nhà đầu tư này muốn bán cũng khó và phải chấp nhận cắt lỗ sâu mới đẩy được. Do đó, khi buộc phải cho thuê, nhiều chủ nhà đã chấp nhận giảm giá gần 1 nửa để cho khách Việt thuê. “Họ phần lớn là những nhà đầu tư đang chịu áp lực lãi vay ngân hàng, nếu để không thì áp lực trả lãi rất lớn nên chấp nhận giảm giá sâu mới có khách thay vì để nhà trống”.
Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư sẵn sàng để nhà trống khi giá bán và giá thuê không được như ý. Tại một dự án cao cấp Nam Từ Liêm, cũng với mục đích đầu tư rồi bán chốt lời nhưng anh Bình sớm vỡ mộng khi rao bán cắt lỗ cũng không bán được. Ban đầu, vợ chồng anh Bình tính chuyển sang hình thức homestay nhưng nhận thấy việc quản lý homestay mất rất nhiều thời gian trong khi hai vợ chồng đều rất bận nên dự tính cho thuê cả căn. Tuy nhiên, sau khi khảo sát thị trường thì giá thuê căn 2 ngủ chỉ được tầm 7-8 triệu đồng. Quá thất vọng khi đầu tư lên tới gần 2 tỷ mà tiền thuê thu về hàng tháng quá thấp nên hai vợ chồng quyết định để nhà không, cuối tuần thi thoảng ghé về để nghỉ ngơi. “Cũng may hai vợ chồng tôi chỉ vay ngân hàng khoảng 30% khi đầu tư nên mới dễ dàng quyết định để trống như thế”, anh Bình cho biết.
Tương tự anh Bình, bà Nguyễn Ngọc trước đây chuyên cho người Nhật thuê căn hộ ở Cầu Giấy với giá trên 20 triệu đồng/tháng nhưng gần năm nay không có khách, bà cũng không giảm giá tìm khách Việt. Bà cho biết chấp nhận để trống căn hộ cả năm chờ dịch bệnh được kiểm soát, người nước ngoài quay trở lại Việt Nam. “Căn hộ này tôi đầu tư rất kĩ lưỡng nội thất. Tôi chỉ muốn cho người Nhật thuê vì họ luôn cẩn thận khi dùng nhà. Tôi không có ý định giảm giá thuê để có khách ở thời điểm này”, bà Ngọc cho biết.
Còn theo anh Hứa, anh có khá nhiều khách không chịu giảm giá thuê. Người thì cho người thân mượn tạm nhà để ở, người làm kinh doanh thì biến căn hộ chưa có khách thành nơi chứa đồ… Mỗi người có cách sử dụng khác nhau khi thị trường ảm đạm nhưng tập khách này đều có điểm chung là không chịu áp lực lãi vay ngân hàng.